Bật phụ đề khi học qua video bằng ngoại ngữ có hữu ích không (Phần 2)
Khi “lý thuyết dư thừa” (redundancy principle) không đủ thuyết phục
Bài viết này nối tiếp bài trước mình đã giới thiệu về nghiên cứu của Maria Pannatier và Mireille Bétrancourt (2024), trong đó hai tác giả kết luận rằng phụ đề không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả học tập, trong khi trình độ ngoại ngữ của người học mới là yếu tố quyết định rõ ràng nhất. Theo họ, phụ đề—khi lặp lại đúng nội dung lời nói—có thể trở nên dư thừa, gây quá tải nhận thức, đặc biệt trong các bài học có nhiều hình ảnh. Người học phải chia sự chú ý giữa phụ đề và hình ảnh minh hoạ, làm giảm hiệu quả tích hợp thông tin – đây chính là hiện tượng đã được biết đến như hiệu ứng chia nhỏ chú ý (split-attention effect).
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác do Elke Peters và cộng sự thực hiện tại Bỉ lại đưa ra một bức tranh khác, đồng thời mở ra khả năng sử dụng phụ đề một cách có điều kiện để hỗ trợ học từ vựng. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí System năm 2016, tập trung vào việc so sánh hiệu quả của hai loại phụ đề—phụ đề tiếng mẹ đẻ và phụ đề bằng ngoại ngữ cùng ngôn ngữ với âm thanh trong video —trong việc hỗ trợ người học tiếng Anh mở rộng vốn từ vựng một cách tự nhiên qua video.
Hai thí nghiệm, hai đối tượng người học
Nhóm nghiên cứu thực hiện hai thí nghiệm. Ở thí nghiệm thứ nhất, họ tuyển chọn 28 học sinh trung học phổ thông tại Bỉ, những người đang học tiếng Anh như ngoại ngữ. Học sinh được chia thành hai nhóm: một nhóm xem đoạn phim tài liệu ngắn (13 phút) với phụ đề tiếng Anh, nhóm còn lại xem cùng video nhưng với phụ đề tiếng Hà Lan—ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Từ vựng mục tiêu được chọn lọc trước và xuất hiện trong video với tần suất khác nhau. Sau khi xem, người học được kiểm tra khả năng nhận diện từ (form recognition) và nhớ nghĩa (meaning recall).
Ở thí nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu chuyển sang một bối cảnh khác: học sinh trường nghề với trình độ tiếng Anh thấp hơn. Các em xem một tập phim hoạt hình The Simpsons với hai điều kiện tương tự. Tuy nhiên, lần này bài kiểm tra bao gồm ba dạng: viết lại từ khi biết nghĩa (form recall), nhận diện từ từng thấy (form recognition) và chọn đúng nghĩa của từ trong trắc nghiệm (meaning recognition). Cả hai thí nghiệm đều đo thêm kích thước vốn từ nền của người học để kiểm soát ảnh hưởng của yếu tố này.
Captions giúp học từ, nhưng chỉ với người học đủ nền tảng
Kết quả cho thấy, phụ đề không hoàn toàn “vô dụng”. Thứ nhất, captions (phụ đề cùng ngôn ngữ) tỏ ra hiệu quả rõ rệt trong việc giúp người học nhận diện và nhớ cách viết từ mới. Nhóm học sinh trung học phổ thông xem captions ghi nhớ hình thức từ vựng tốt hơn so với nhóm xem phụ đề dịch. Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ rõ rệt với những người đã có vốn từ vựng tương đối tốt. Với nhóm học sinh trường nghề, vốn từ nền thấp khiến học sinh gần như không học thêm được nhiều từ, bất kể loại phụ đề.
Phụ đề tiếng mẹ đẻ không giúp học nghĩa từ như kỳ vọng
Phụ đề tiếng mẹ đẻ không giúp người học ghi nhớ nghĩa từ mới tốt hơn như nhiều người vẫn kỳ vọng. Dù giúp hiểu nội dung video dễ hơn, nhưng trong bài kiểm tra nghĩa từ, nhóm xem phụ đề dịch không vượt trội so với nhóm captions. Như vậy, việc hiểu tổng thể nội dung không đồng nghĩa với việc học được từ vựng mới một cách cụ thể.
Tần suất và hình ảnh minh hoạ vẫn quan trọng
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tần suất từ xuất hiện trong video là một yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng ghi nhớ từ. Những từ được lặp lại nhiều hơn có khả năng được học tốt hơn, đặc biệt khi kèm theo hình ảnh minh hoạ trực quan. Dẫu vậy, tần suất không phải là yếu tố duy nhất: vẫn có những từ chỉ xuất hiện một lần nhưng vẫn được học nếu gắn với hình ảnh sinh động và dễ hiểu.
Vốn từ nền là yếu tố then chốt
Một điểm đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu là mối tương quan giữa kích thước vốn từ và khả năng học từ mới. Người học có vốn từ nền tốt không chỉ ghi nhớ được nhiều từ hơn mà còn có khả năng học cả từ ít gặp trong video. Trong khi đó, những người có vốn từ hạn chế hầu như chỉ học được các từ quen thuộc và dễ đoán, bất kể video có phụ đề gì.
Hai nghiên cứu, hai bối cảnh – không mâu thuẫn, mà bổ sung
Nếu đặt nghiên cứu này cạnh bên nghiên cứu của Pannatier và Bétrancourt, mình không cho rằng chúng mâu thuẫn nhau, mà đúng hơn là bổ sung cho nhau. Pannatier và Bétrancourt nghiên cứu hiệu ứng phụ đề trong bối cảnh bài học phức tạp, nhiều hình ảnh, nội dung cần hiểu sâu. Khi đó, việc chia sự chú ý giữa các kênh hình – chữ – âm dễ gây nhiễu loạn, đặc biệt với người học không có đủ nền tảng ngoại ngữ. Trong khi đó, nghiên cứu của Peters et al. dùng video ngắn, từ vựng được kiểm soát chặt, và mục tiêu học chủ yếu là nhận diện và ghi nhớ từ. Ở bối cảnh này, phụ đề lặp lại lời nói không gây hại, mà còn có thể giúp củng cố nhận dạng từ.
Khi nào nên (và không nên) dùng phụ đề trong dạy học
Từ hai nghiên cứu trên, mình rút ra một thông điệp khá rõ: phụ đề không tốt hay xấu tự thân, mà phụ thuộc vào mục tiêu bài học, nội dung video và đặc điểm người học. Nếu mục tiêu là học từ cụ thể, video ngắn, nội dung đơn giản và người học đã có nền tảng nhất định, captions sẽ giúp ích rõ ràng. Nhưng nếu bài học đòi hỏi hiểu sâu, tích hợp thông tin từ hình ảnh và lời nói, phụ đề có thể gây nhiễu và làm giảm hiệu quả học.
Với giáo viên thiết kế bài giảng bằng video, điều này có nghĩa là cần cân nhắc kỹ: không phải cứ thêm phụ đề là tốt, và cũng không nên bỏ phụ đề một cách máy móc chỉ vì “lý thuyết dư thừa”. Phụ đề chỉ phát huy tác dụng khi được đặt đúng chỗ, đúng người học và đúng mục tiêu.
—
Nguồn nghiên cứu:
Peters, E., Heynen, E., & Puimège, E. (2016). Learning vocabulary through audiovisual input: The differential effect of L1 subtitles and captions. System, 63, 134–148. https://doi.org/10.1016/j.system.2016.10.002